Sau khi lùng về tứ đại Mỹ nam thì lại ra được cái ni nữa (__ __")
“Con trai đẹp nhờ nét, Con gái đẹp nhờ đường”
『男由輪廓而都,女由線條而美』(Nam do luân quách nhi đô, nữ do tuyến điều nhi mỹ)
Du đại phu đời Minh mạt là một vị quan rất thích nam sắc, ông từng bảo rằng: “Nói về sắc đẹp trong thiên hạ thì nữ không đuổi kịp nam. Ở các loài có lông vũ từ chim phượng hoàng, khổng tước cho đến con gà, con trĩ, màu sắc rực rỡ đều thuộc về con trống; sắc lông của loài chó, ngựa cũng đều như thế” (天下之色,皆男勝女。 羽族自鳳凰、孔雀以及雞雉之屬,文彩並屬属于雄,犬馬之毛澤亦然:Thiên hạ chi sắc, giai nam thắng nữ. Vũ tộc tự phụng hoàng, khổng tước cập kê trĩ chi thuộc, văn thái tính thuộc vu hùng, khuyển mã chi mao trạch diệc nhiên) [情史•情外類Tình sử: Tình ngoại loại]. Cách quan sát của mấy trăm năm trước này quả thật là rất độc đáo, người ta đã nhận định chung rằng: trong loài chim chóc của nhóm động vật thì quả thực con trống có ngoại hình rất đẹp, và ngược lại, con mái thì thấp bé và có màu sắc nhạt nhẽo, đen đúa. Các nhà nghiên cứu khi đi tìm về nguyên nhân này đã nhận định, đấy chính là kết quả của việc chọn lựa trong quan hệ tính dục. Con trống do muốn tranh giành con mái nên giữa chúng phải tiến hành một cuộc so sánh về ngoại hình, cuộc cạnh tranh này đã mặc định vẻ đẹp của con trống là vẻ đẹp của sự hào hoa và cường tráng.
Xét về nhân loại, ngay từ thời kỳ cổ đại, giữa hai giới tính của con người trong xã hội luôn có một khoảng cách rất lớn: phần lớn nam giới đều là người nắm giữ quyền lực và của cải, có một địa vị rất cao và có khả năng chi phối người phụ nữ. Kết quả là người phụ nữ nào muốn có được một cuộc sống an nhàn, vui sướng thì phải chăm chút đến dung nhan của mình (女為悅己者容:nữ vị duyệt kỷ giả dung), từ đó, phụ nữ trở thành đối tượng chủ yếu để người khác ngắm nhìn, đồng thời, vẻ đẹp của người phụ nữ cũng trở thành trọng tâm của cái đẹp trong thế giới loài người. Nhưng không hoàn toàn vì thế mà có thể nói rằng nam giới không đẹp bằng phụ nữ, chỉ là, cái đẹp của nam giới tương đối bị xem nhẹ một chút. Kinh Thi có câu thơ hình dung về một mỹ nam như sau: “Chao ôi phương phi sao, Chàng cao lớn làm sao. Chao ôi tươi tắn sao, Thanh cao dịu dàng sao” (猗嗟昌兮,頎而長兮。猗嗟娈兮,清揚婉兮:Y giai xương hề, Kỳ nhi trường hề. Y giai loan hề, thanh dương uyển hề) [Kinh Thi, chương Y Giai]. Cổ từ cũng nói rằng: “Đá kết như ngọc quý, thân tùng như ngọc xanh. Vẻ tươi riêng một cõi, thiên hạ chẳng người tranh” (積石如玉,列松如翠。郎艷獨絕,世無其匹:Tích thạch như ngọc, liệt tùng như thuý. Lang diễm độc tuyệt, thế vô kỳ thất) [Nhạc phủ thi tập, quyển 47].
Nếu so sánh với các mỹ nữ, thì các mỹ nam được gới thiệu ở đây cũng sẽ là những người được lựa chọn, cân nhắc theo những tiêu chí như diện mạo, hình thể, sức hấp dẫn, tài nghệ, trí tuệ… Một điều cần nhắc đến ở đây là, cũng giống như thập đại mỹ nữ Trung Quốc cổ đại, thập đại mỹ nam Trung Quốc cổ đại cũng không hẳn phải là người đẹp nhất, mà thường là những nhân vật có liên quan và có những đóng góp nhất định đến nền chính trị, xã hội đương thời, được sách sử (bao gồm cả dã sử, huyền sử) hay tác phẩm văn học (văn học dân gian, văn học bác học) ghi chép lại. Tương đối phù hợp với những tiêu chí đó là mười mỹ nam sau đây:
1. Phan An (潘安)
Phan Nhạc (潘岳) - một tên khác của Phan An, là người Hà Nam sống vào thời Tây Tấn, tên chữ là An Nhân (安仁), biệt hiệu là Đàn Nô (檀奴). Đây là một kỳ nhân của lịch sử Trung Quốc cổ đại, sở hữu một tư dung đã tốt, tinh thần thêm đẹp (姿容既好,神情亦佳:tư dung ký hảo, tinh thần diệc giai), vì thế trong dân gian có câu: “mặt tựa Phan An” (貌比潘安:mạo tỷ Phan An). Thời trẻ, Phan Nhạc có lần cưỡi xe ra ngoài thành Lạc Dương chơi, lúc ấy có rất nhiều phụ nữ luống tuổi sau khi gặp đều bất giác quay đầu lại nhìn, thậm chí có người si mê đã chạy đuổi theo. Do vậy, Phan An sợ đến mức thường không dám ra ngoài cửa. Có nhiều cô gái đang tuổi hoa niên cảm thấy khó có cơ hội được gần gũi, bèn ném quả vào xe của chàng, cứ mỗi lần trở về thì xe của chàng cũng đầy những quả chín, vì vậy mà trong dân gian thường nói “ném quả đầy xe”. Sau này, biệt hiệu “Đàn Nô” (檀奴) hay “Đàn Lang” (檀郎) sử dụng trong văn học cũng đã trở thành từ ngữ dùng để gọi một chàng trai nào đó được xem là tuấn tú. Có một người có dung mạo cực kỳ xấu xí tên là Trương Mạnh Dương (張孟陽) cũng bắt chước dáng điệu Phan Nhạc và đi ra ngoài thành chơi, nhưng mỗi lần ra khỏi cửa thì các chị em đều nhổ nước bọt, ném đá vào xe của anh ta, thế là, xe của anh ta cũng chất đầy đá mà trở về. Đây quả thực là một phiên bản khác của câu chuyện Đông Thi hiệu tần (Đông Thi bắt chước dáng điệu nhăn mặt của Tây Thi)!
Không những là một người có diện mạo đẹp như gấm thêu, mà Phan Nhạc còn là một người viết ra những áng văn chương cũng đẹp như hoa như gấm: từ nhỏ đã lộ rõ tài năng văn chương thiên phú, được người trong làng gọi là kỳ đồng. Vào năm chàng 12 tuổi, một lần Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm nhân lúc cao hứng đã ra lệnh cho mọi người viết văn thơ, kết quả là tác phẩm của Phan Nhạc là bài hay nhất. Các quan đại thần nhìn qua, tác giả của bài thơ ấy là một tên mặt trắng còn non nớt, bèn lấy làm ganh ghét, lập tức đuổi chàng ra khỏi triều đình. Sau mười năm nhàn nhã với thơ phú, Phan Nhạc cuối cùng cũng đã được thu dụng làm quan, giữ chức huyện thái lệnh huyện Hà Dương và cũng có chút công lao đối với việc triều chính. Lúc ấy, ở huyện Hà Dương có trồng rất nhiều cây đào nên người ta gọi chàng là “nhất huyện hoa”. Từ đó về sau, con đường quan lại của chàng luôn không được suôn sẻ mà có lúc thăng lúc giáng, mãi đến năm Nguyên Khang thứ sáu (296), chàng mới trở về Lạc Dương nhậm chức Kinh quan. Một chàng thiếu niên đầy tài năng và dung mạo tuyệt thế của ngày xưa giờ tóc đã hoa râm, đã nếm đủ mọi đắng cay gian khổ trên chốn quan trường, tai đã nghe qua và mắt đã thấy qua những người luôn a dua xu phụ kẻ khác.
Lúc này, quyền lực chính trường rơi vào tay của mụ hoàng hậu xấu xí Giả Nam Phong. Cháu bên ngoại của mụ là Giả Ích rất thích kết giao qua lại với các quan khách, cùng nhau tổ chức nên một hội văn nhân có tên là “Nhị thập tứ hữu” (hai mươi bốn người bạn), dùng chữ nghĩa để dấy lên cơn phiến động trong tập đoàn ngoại thích của Giả hậu. Trong khi đó, mụ ta muốn phế truất thái tử, nhưng Phan Nhạc lại là người bất hạnh khi rơi vào trong âm mưu này: Giả Nam Phong đã phái một quan nhân dưới trướng của mình chuốc cho thái tử uống say rồi bắt Phan Nhạc viết một bài văn tế thần, đồng thời bắt thái tử sao chép lại. Thái tử do uống say nên thần trí không được minh mẫn, đành viết bừa một lúc. Sau khi nhận bài văn của thái tử xong, Phan Nhạc lại sửa một vài nét chữ, biến nó thành một bài văn có ý phản nghịch, khiến thái tử phải bị phế truất, mẹ đẻ của thái tử bị bức tử. Tuy không phải là người lập ra kế hoạch phế truất thái tử, nhưng rõ ràng Phan Nhạc lại là người có vai trò làm khuấy động nên âm mưu này, do vậy, tuy gian kế đã thành công nhưng chàng cũng không được yên. Sau khi thái tử mất, Triệu vương Tư Mã Luân lấy cớ báo thù bèn dấy cơn binh biến và tấn công vào cung, dẹp bè đảng của Giả hậu. Trước đấy, Phan Nhạc đã từng đắc tội với người bạn của Triệu vương nên sau cuộc loạn Bát vương, Triệu vương Tư Mã Luân vừa đoạt được chính quyền đã lập tức ra lệnh bắt Phan Nhạc và phán định hình phạt tru di tam tộc.
Trong cơn loạn Bát vương, Phan Nhạc lại là người tham gia tích cực, vì thế mà chàng phải mang một tội danh lớn: giúp hổ làm ma. Nhưng không vì thế mà vấn đề công và tội của chàng làm mờ đi nét tài hoa trong văn phong, sự tinh tế trong miêu tả của chàng.
Trong cuộc sống, Phan Nhạc là một người rất tốt. Đính hôn từ năm hơn mười tuổi, đối với người vợ kết tóc xe tơ họ Dương, chàng rất mực chung tình. Dương thị mất năm Nguyên Khang thứ 8 (298) khiến Phan Nhạc đau buồn triền miên, viết nên những bài từ điếu vong chứa đầy tình cảm son sắt keo sơn, và đây cũng chính là những bài hay nổi tiếng trong mảng đề tài này. Nhưng đáng tiếc là do mộng công danh quá nặng, gấp gáp trên đường thăng tiến, lại không biết thoả mãn với những gì đã có nên cuối cùng chàng phải mang tội tử.
2. Lan Lăng vương (蘭陵王)
Lan Lăng Vương tên là Cao Trường Cung (高長恭), lại có tên là Cao Hiếu Quán (高孝瓘), là cháu của Cao Hoan (高歡) – một vị đại thừa tướng phong lưu anh hùng khởi nghiệp từ bàn tay trắng, một vị đại thần của Đông Nguỵ. Sau khi ông mất, trưởng tử của ông là Cao Trừng (高澄) tiếp tục lên làm quyền thần thời Đông Nguỵ. Cao Trừng rất sáng suốt trên mảng chính trị, nhưng vào năm 29 tuổi thì lại chết trong tay của bọn nô lệ, để lại sáu đứa con nheo nhóc; trong đó, người con thứ tư đã trở thành Lan Lăng vương được truyền danh ngàn đời nay.
Cao Trường Cung rất kiêu dũng thiện chiến. Tương truyền rằng, vì chàng có vẻ ngoài rất dịu dàng đẹp đẽ, không đủ làm cho kẻ địch khiếp sợ, nên mỗi lần ra trận đều phải đeo chiếc mặt nạ dữ tợn vào. Đời sau có một câu chuyện nổi tiếng kể lại rằng: một lần đi cứu viện Lạc Dương, chàng lãnh suất năm trăm kỵ sĩ, xông qua vòng vây của quân Chu, đột nhập vào thành Lạc Dương. Các binh lính trên thành không nhận ra là ai đã đến, cứ chần chừ vì hoài nghi đó là mưu kế của quân địch. Lan Lăng Vương bèn cởi bỏ khôi giáp (chú ý: đây là chiếc mũ trụ lớn che phần mặt mà không phải là mặt nạ; điển cố “Lang Lăng Vương đeo mặt nạ” có lẽ là do người đời sau thêm thắt vào) để cho binh lính nhìn thấy rõ diện mạo của mình, binh lính trên thành lòng bỗng rúng động vì trông thấy tôn dung, bèn có hơn trăm cung thủ bước đến nghênh đón. Thế là quân Chu nhanh chóng bị đuổi chạy. Để chức mừng thắng lợi, các binh lính đã sáng tác ra Lan Lăng Vương nhập trận khúc (蘭陵王入陣曲), rồi đeo mặt nạ vào và vừa múa vừa hát. Sử sách ghi chép rằng: “Trường Cung dung mạo dịu dàng nhưng lòng mạnh mẽ, quả thực tài mạo song toàn. Hết lòng yêu thương tướng sĩ, mỗi khi được cái gì thì cũng đều chia sẻ cùng tướng sĩ, dù là chỉ một vài quả dưa” (長恭貌柔心壯,音容兼美。為將躬勤細事,每得甘美,雖一瓜數果,必與將士共之:Trường Cung mạo nhu tâm tráng, âm dung kiêm mỹ. Vị tướng cung cần tế sự, mỗi đắc cam mỹ, tuy nhất qua sổ quả, tất dữ tướng sĩ cộng chi).
Sau này, không biết vì sao mà Cao Trường Cung lại mắc phải một cái tật: tham tiền tài, của hối lộ ra vào tấp nập, khiến cho nhân dân bán tán xôn xao. Thuộc hạ của chàng là Uất (Uý) Tương Nguyện (尉相愿) hỏi rằng: “Bổng lộc của ngài cao như thế, hà tất phải tham lam như thế?”. Trường Cung không biết trả lời thế nào. Tương Nguyện bảo: “Có phải ngài sợ mình có công lao quá lớn, chúa thượng có điều e dè nên ngài cố ý bôi một tý tiếng xấu lên mặt mình?”. Trường Cung mới thốt rằng: “Chính phải”. Tương Nguyện nói: “Nếu triều đình đã tỏ lòng e dè ngài mà ngài làm như thế thì chẳng phải là tự mình thòi chóp ra cho người ta nắm hay sao? Ngài muốn cầu phúc nhưng lại rước lấy hoạ đấy”. Trường Cung ứa nước mắt, quỳ mọp xuống, xin anh ta hiến cho cách để được yên thân. Tương Nguyện nói: “Uy danh của ngài quá lớn, tốt nhất là nên ở nhà dưỡng bệnh, đừng có can dự vào chính sự nữa làm gì”. Trường Cung nghe lời khuyên can xong, bèn giả bệnh, nhưng lòng lại nghĩ nếu gác bỏ tất cả thì không cam tâm. Một nam tử hán đang tuổi hoa niên, ai lại muốn thoái lui? Huống chi chàng lại chẳng có một tính cách của một ẩn sĩ.
Hoàng đế Cao Vỹ (高纬) của cuối thời đại Bắc Tề một ngày nọ nghe Lan Lăng Vương nhập trận khúc bèn nói với Cao Trường Cung rằng: “Nhập trận quá sâu, chắc chắn nguy hiểm, nếu nhỡ thất bại, hối hận không kịp”. Trường Cung vô ý buột miệng: “Việc nhà đau đáu, thần đâu thể làm ngơ” (家事親切,不覺遂然:Gia sự thân thiết, bất giác toại nhiên). Cao Vỹ nghe thấy hai chữ “việc nhà”, trong lòng nảy sinh hiềm nghi, bèn sai người mang đến cho chàng một chung độc dược. Thế là, hoàng đế giết người mà hoàn toàn không có một lý do nào. Năm Cao Trường Cung mất không được ghi lại trong sách sử, chỉ ước đoán rằng lúc ấy chàng khoảng ba mươi tuổi. Chàng mất đi để lại Trịnh phi goá phụ sớm hôm sống trong đau khổ cùng cực, nàng bèn quy y nơi cửa Phật và sống hết đời của mình tại đấy. Bốn năm sau, nước Bắc Tề do đã mất đi rường cột nên không còn vững mạnh, bị Vũ Văn thị tiêu diệt, con cháu của họ Cao (dòng hoàng thất) toàn bộ đều bị giết sạch.
3. Vệ Giới (衛玠)
Chúng ta còn nhớ đến Vệ Quán (衛瓘), người đã giết hai cha con Trịnh Ngải sống vào thời Tam Quốc hay không? Vệ Giới, tên chữ là Thúc Bảo (叔寶), chính là cháu của ông ấy. Nói về sắc đẹp của Vệ Giới, trong Tấn thư có dùng đến những từ như “minh châu”, “ngọc nhuận”. Chàng thuộc kiểu người yêu ghét không lộ ra mặt, nhìn chung là một người ngọc có nét mặt vô tình. Từ thời thơ ấu, chàng trai này đã có khí chất kỳ lạ hơn người, khi ngồi trên xe cho dê kéo đi trên đường Lạc Dương thì luôn dõi mắt nhìn xa, trông giống như một bức tượng được chạm từ bạch ngọc, người đương thời gọi chàng là “bích nhân” (người ngọc bích). Những khi ấy, mọi người dân thành Lạc Dương đều ùa ra chật cả đường để ngắm chàng trai ngọc bích bé nhỏ này. Nhưng người ngọc này lại có một cái tật là rất thích nói chuyện. Đương thời, phong cách thịnh hành nhất là ít nói (thanh đàm): tay cầm một cái phất trần, hình thái thong thả và nói năng từ tốn. Lúc mới đầu, “thanh đàm” chủ yếu nói về đạo của Lão Trang, còn có ý vị của triết học, về sau trở nên bừa bãi khắp nơi, ví dụ như đàm luận về tướng mạo và hành vi của người khác (Thời Lưỡng Tấn có nhiều mỹ nam nổi tiếng cũng chính vì nguyên nhân này). Cha mẹ của chàng e ngại cái tật nói nhiều của chàng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, hơn nữa, chính trị là một vấn đề rất nhạy cảm, nên tốt nhất là tránh xa, và họ hạn chế việc ăn nói của chàng.
Cuộc loạn Bát Vương đã khiến chính quyền Tây Tấn trở thành một mớ hỗn độn, thế lực của người Hồ thừa cơ xâm nhập vào Trung Nguyên, thiên hạ đại loạn, vì thế mà Vệ Giới hết lòng khuyên cha mẹ di cư về phương Nam. Anh em của chàng không chịu đi, nên về sau đã phải chết trong tay của người Hung Nô. Cả nhà của chàng chạy đến Giang Hạ (nay là Vũ Hán), vợ là Nhạc thị không thể chịu nổi đường xa mệt nhọc nên đã chết. Chinh Nam tướng quân Sơn Giản nhanh chóng đến gả con gái yêu của mình cho Vệ Giới. Vệ Giới lại đưa vợ mới cưới của mình đi về phía Đông, đi đến đất Dự Chương, nơi mà đại tướng quân Vương Đôn trấn thủ (nay là Nam Xương).
Vương Đôn thấy chàng là một nhân tài, lại biết ăn nói nên rất trọng dụng. Nhưng Vệ Giới không hoàn toàn thuận ý, vì chàng cảm thấy người này rất có dã tâm, lâu ngày tất sẽ sinh loạn, không thể dựa dẫm được, bèn tiếp tục di cư và đi về đô thành Kiến Nghiệp của Đông Tấn (nay là Nam Kinh). Quan quân của Kiến Nghiệp do lâu nay đã nghe tiếng đồn về vẻ đẹp của Vệ Giới nên lập tức bổ nhiệm chàng. Các nhân sĩ vùng Giang Đông nghe tin có một đại minh tinh đến bèn đổ xô ra vây lấy chàng để ngắm nhìn, khiến việc di chuyển của chàng trở nên rất khó khăn, suốt cả mấy ngày vẫn không được nghỉ ngơi. Một chàng thiếu niên anh tuấn vốn có thể chất yếu nhược như chàng cuối cùng vì mệt mà bị ốm một trận thập tử nhất sinh, rồi sau thì chết. Chính vì điển cổ này mà sách Thế thuyết tân ngữ (世說新語) mới có câu “nhìn giết Vệ Giới” 看殺衛玠:khán sát Vệ Giới).
Suốt một cuộc đời, Vệ Giới không có chút tiếng tăm nào trên vũ trường chính trị, cũng không có cống hiến gì cho nền văn học nghệ thuật hay kỹ thuật của Trung Quốc, càng không nói chi đến lĩnh vực quân sự. Một người như thế lại được ghi vào trong Tấn thư, điểm này cũng đã cho chúng ta thấy rằng “mỹ nam tử” đã trở thành một hiện tượng văn hoá của đương thời. Sách sử đều nhấn mạnh đến hai điểm khi nhắc về chàng: một là tuấn tú đẹp đẽ, hai là ăn nói khéo léo.
4. Tử Đô (子都)
Kinh Thi từng có câu: “Núi cao có phù tô, vùng trũng có hoa sen. Không gặp được Tử Đô, chỉ gặp kẻ cuồng dại” (山有扶蘇,隰有荷华。不見子都,乃見狂且:Sơn hữu phù tô, thấp hữu hà hoa. Bất kiến Tử Đô, nãi kiến cuồng thả). Câu này có nghĩa là: một người con gái hò hẹn với một chàng đẹp trai nào đó, nhưng cô cứ chờ mãi mà bóng hình chàng trai kia chẳng thấy đâu, chỉ gặp một lão già ngốc nghếch. Trong bài thơ này, “Tử Đô” được dùng làm đại từ thay thế cho chàng đẹp trai, hoặc cũng có thể nói rằng, Tử Đô là đối tượng hẹn hò giả tưởng và là một bạch mã hoàng tử của hầu hết các thiếu nữ (không loại trừ nam thiếu niên) của nước Trịnh. Các thiếu nữ cho rằng, nếu có thể gặp được chàng Tử Đô đẹp nhất nước thì đó là điều vinh hạnh; để có thể gặp được chàng, các cô gái thậm chí đã không tiếc mấy giờ đồng hồ ra đứng đợi trông. Từ đó có thể thấy rằng, khi chưa nhìn thấy Tử Đô mà lại gặp ngay một lão ngốc nghếch thì các cô gái sẽ đau buồn, ai oán và bi thương đến nhường nào.
Sách Mạnh tử lại viết: “Nói đến Tử Đô, trong thiên hạ này không ai không biết đến vẻ đẹp của chàng. Ai không biết đến vẻ đẹp của Tử Đô thì chẳng khác gì là kẻ đui mù” (至於子都,天下莫不知其姣也。不知子都之姣者,無目者也:Chí ư Tử Đô, thiên hạ mạc bất tri kỳ giao dã. Bất tri Tử Đô chi giao giả, vô mục giả dã). Ngay đến một Á thánh miệng lúc nào cũng nói đến nhân nghĩa như Mạnh tử cũng bảo như thế thì cũng đủ thấy Tử Đô quả thực là một đại mỹ nam rồi. Vậy thì, một đại mỹ nam Tử Đô gây chấn động thiên hạ này cuối cùng là người như thế nào, làm sao mà chàng lại có một mị lực khiến các cô gái trong thiện hạ phải điên cuồng như vậy?
Tử Đô, người nước Trịnh thời Xuân thu Chiến quốc, tên thực là Công Tôn Yên (公孫阏), Tử Đô là tên chữ. Tử Đô không chỉ có tướng mạo đẹp đẽ mà còn đầy võ nghệ, rất thiện xạ, vì thế mà làm chức Đại phu dưới thời Trịnh Trang Công. Chỉ có điều là, Tử Đô tuy người đẹp đẽ nhưng tính lại ích kỷ nhỏ nhen. Tả truyện, Ẩn công thập nhất niên (左傳‧隱公十一年) có ghi chép về câu chuyện: vì tranh xe mà chàng đã bắn chết Kỷ phương đại tướng Dĩnh Khảo Thúc; từ điểm này có thể thấy rằng, Tử Đô vẫn còn thiếu lòng khoan dung và khí khái anh hùng cần phải có của một bậc đại trượng phu.
Tuy còn mắc phải khuyết điểm như vậy, nhưng Tử Đô vẫn là một đại mỹ nam vang danh khắp nơi, dung mạo của chàng không những làm chấn động giới thống trị (đại diện là Trang công), mà còn khiến cho đông đảo dân chúng (đại diện là phụ nữ nước Trịnh) và người đời sau (đại diện là Mạnh tử), họ cũng đều vì điểm này mà liệt Tử Đô vào danh sách của các mỹ nam.
5. Tống Văn công (宋文公)
Khi Tống Văn công khi chưa làm quốc vương thì chàng là công tử của nước Tống, được gọi là Công tử Bào (公子鮑).
Nếu theo lẽ thông thường thì chàng vốn là chưa đến lượt làm quốc vương, mà có thể sẽ chỉ là một công tử sống một đời an nhàn. Nhưng lý do gì đã khiến lịch sử có sự phát triển bất thường như thế, khiến một Công tử Bào có thể ngồi lên ngôi báu của quốc vương nước Tống? Nguyên nhân ở đấy chình là vì chàng rất đẹp trai!
Có phải chỉ vì chàng đẹp trai mà từ một Công tử Bào đã biến thành một Tống Văn công? Nhưng sự thật lại là như thế, tuy rằng quá trình này hoàn toàn không đơn giản và dễ dàng chút nào. Vậy thì tại sao lại có thể xuất hiện một câu chuyện thoạt nhìn có vẻ hoang đường đến vậy? Đó là vì có một người phụ nữ đã yêu chàng. Người phụ ấy không phải là người xa lạ, mà đó là mẹ kế của chàng – phu nhân của Tống Tương công (宋襄公) – em gái của Chu Tương vương (周襄王), tên là Vương Cơ (王姬).
Tả truyện, Văn công thập lục niên (左傳‧文公十六年) chép rằng: Công tử Bào là một đại mỹ nam vô cùng tươi đẹp, vì thế mà lọt vào mắt xanh của Vương Cơ, một goá phụ trung niên sống cô độc trong chốn thâm cung nhưng khó lòng chịu sự cô tịch, và bà ta rất muốn cùng chàng tư thông. Nhưng nếu chàng không đồng ý thì làm thế nào? Vương Cơ bèn vắt óc ra trăm phương ngàn kế để lấy lòng Công tử Bào: Công tử Bào không muốn ban bố ơn huệ cho người trong nước đó sao? Vậy thì, hãy để ta giúp chàng, có đồng ý không? Nếu vẫn chưa đồng ý, thế thì ta cam tâm hiến dâng giang sơn nước Tống này cho chàng vậy!
Năm Chiêu công (昭公) thứ chín, Tống Chiêu công ra ngoài săn bắn, đây quả tình là một cơ hội mà ông trời đã dành tặng cho Vương Cơ, bà ta bèn phái người ám sát Chiêu công, rồi lập em trai của Chiêu công là Công tử Bào lên ngôi vị quốc vương. Một câu chuyện thần thoại vang danh thiên cổ do đẹp trai mà được nước vì thế mà đã thành sự thật. Theo Tả truyện, việc Chiêu công đi săn chính là do Vương Cơ xúi giục; hơn nữa, Chiêu công cũng dư biết rằng Tương phu nhân sẽ giết mình, nhưng đành xuôi theo số phận, chỉ biết khoanh tay chờ chết. Điều đó cũng chứng minh rằng, Chiêu công đã bị Tương phu nhân khống chế, việc Vương Cơ dâng hiến nước Tống cho Công tử Bào quả là chuyện dễ như trở bàn tay.
Một người đẹp trai đến nỗi đã khiến cho mẹ kế xiêu lòng và muốn tư thông như Tống Văn công cuối cùng còn là một người như thế nào ngoài vẻ đẹp trai của mình? Đó là một người có thể nói là tốt, ít nhất là tốt hơn so với người anh trai mang tiếng là “vô đạo” của mình – Chiêu công. Tả truyện viết rằng, chàng là người rất giữ chữ lễ, Sử kỳ cũng chép rằng, chàng hiền lương và khiêm tốn, đương nhiên đó là những thái độ mà một Công tử Bào cần có khi muốn mua chuộc lòng người. Nhưng bất luận là thế nào, cái giá mà chàng phải trả là như thế nào thì kết quả cũng là: vì chàng đẹp trai mà được nước.
cre: Giới thiệu thập đại mỹ nam của Trung Quốc cổ đại (kỳ 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét