6. Tống Ngọc (宋玉)
Tống Ngọc là một trong hai đại mỹ nam nổi tiếng nhất ngang hàng với Phan An trong lịch sử Trung Quốc, nhưng nói về Tống Ngọc thì có rất nhiều điều mắc míu. Bởi vì, từ trước đến nay chưa có một bộ chính sử hay thậm chí là một bộ dã sử nào nói đến Tống Ngọc đẹp trai như thế nào, duy nhất chỉ có một bài “Đăng Đồ Tử háo sắc phú” (登徒子好色賦) do Tống Ngọc viết trong quyển Tả chứng (佐証) mà thôi. Bài phú này thuật lại rằng có một vị quan đại phu đã nói về Tống Ngọc như sau: “Người thì đẹp như ngọc, nói năng khéo léo, nhưng hiềm một nỗi là bản tính háo sắc”. Tống Ngọc bèn giải thích: Từng có một cô con gái dung nhan mỹ lệ ở nhà phía Đông đã lén leo lên tường nhà để ngắm trộm mình suốt ba năm, nhưng chàng chẳng đoái hoài gì đến cô ta, như thế thì không thể bảo rằng chàng hiếu sắc. Tiếp theo, chàng lại miêu tả rằng Đăng Đồ Tử đã yêu mê mệt người vợ xấu xí của hắn như thế nào, cùng với cô ả sinh ra đến năm mặt con, từ đó đã gán tội danh “tính hiếu sắc” sang Đăng ĐồTử. Thế thường thì người ta đều đặt niềm tin của mình vào người có vẻ ngoài đẹp trai hơn, bèn tin vào lời của Tống Ngọc nói là sự thật, khiến cho cái tên “Đăng Đồ Tử” trở thành đại từ dùng chung cho “phường háo sắc”. Ngoài bài phú này ra, người ta không tìm ra được một dấu tích gì khác có liên quan đến Tống Ngọc.
Tương truyền, Tống Ngọc là đệ tử của Khuất Nguyên. Chàng hoàn toàn không vì dung mạo đẹp đẽ của mình mà đường quan rộng mở, mà ngược lại, chàng rất lận đận trên chốn quan trường. Suốt một đời chàng chưa giữ được một chức quan gì to, tuy rằng chàng có tài về văn chương và rất thạo về âm luật, cũng đã từng được Sở vương cho tiếp kiến, nhưng rốt cuộc cũng chẳng đạt được gì, ngay đến bản kiến nghị cũng chẳng được người dùng. Nhưng chàng không vì thế mà rũ bỏ tất cả, ngược lại, chàng lao mình vào trong sáng tác và đã viết nên nhiều tác phẩm rất hay. Từ thể Tao (騷) của Khuất Nguyên, chàng đã sáng tạo nên một thể loại mới, đó là thể Phú (賦), tuy rằng không thể vượt qua cái cũ, nhưng thể loại mới này cũng đã có những đóng góp nhất định. Văn chương của Tống Ngọc rất hoa lệ, khả năng khắc hoạ rất sâu sắc, khiến cho hình tượng “Đăng Đồ Tử” được sáng tạo ra trong tác phẩm “Đăng Đồ Tử háo sắc phú” trở nên rất thành công.
Tương truyền rằng “Đăng Đồ Tử háo sắc phú” là một bài giả mạo, không phải do Tống Ngọc viết ra. Do vậy, nếu quả thực bài phú này là do người khác viết thì vẻ đẹp của Tống Ngọc có lẽ là do người đương thời hoặc giả là người đời sau công nhận. Ngược lại, nếu đây là bài viết thực sự của Tống Ngọc thì vẻ đẹp của chàng có lẽ là sản phẩm của sự cường điệu, và như vậy sẽ khiến cho người ta hoài nghi về tính chân thực của nó. Nhưng bất luận như thế nào thì Tống Ngọc cũng đã đội lên đầu của mình bằng một chiếc mũ cao của một đại mỹ nam, và trên thực tế thì tiếng tăm về vẻ đẹp của chàng cũng đã được lưu truyền thiên cổ.
7. Trâu Kỵ (鄒忌)
Thời Chiến quốc, Trâu Kỵ là một người đẹp trai rất nổi tiếng của nước Tề. Thân cao (hơn 8 thước), dung mạo đẹp đẽ. Vẻ đẹp của chàng không chỉ là ở ngoại hình, mà chàng còn là người rất có chiều sâu trong tư tưởng. Nhưng cũng chính là do chàng quá trầm tư nghĩ ngợi mà gặp phải bất hạnh, vì những người thường hay nghĩ ngợi sẽ là người đau khổ hơn so với người bình thường. So với ngoại hình, Trâu Kỵ thích người ta chú ý đến con người bên trong của mình hơn, ví dụ như chàng muốn người ta khen ngợi chàng về tài năng thơ ca, văn chương, cách ăn nói vân vân.
Tương truyền đương thời, Trâu Kỵ luôn mơ mộng rằng sẽ có một cô gái xinh đẹp tuyệt trần đến gánh vác nỗi khổ não thay cho chàng. Mỗi sáng sớm, sau khi thức dậy, mỹ nam nước Tề này bèn đứng trước chiếc gương đồng mà thầm hỏi một cách u uất: Hỡi gương thần gương thần, hãy nói cho ta biết, ai là người đàn ông đẹp nhất nước Tề? Gương thần luôn áy náy mà bảo với chàng: Thật là đáng tiếc, hỡi chủ nhân của tôi, cho đến nay thì người vẫn là người đàn ông đẹp nhất nước Tề. Khi gương thần trả lời xong, gương luôn thấy Trâu Kỵ khóc nức lên một cách rất thương tâm, như mưa tháng ba đang lất phất từng hạt. Cho đến một ngày nọ, gương thần đột nhiên nói với Trâu Kỵ rằng: Hỡi chủ nhân của tôi, cuối cùng thì người không còn là người đàn ông đẹp nhất nước Tề. Nay có một người đàn ông tên là Từ Công (徐公) ở thành phía Bắc, hắn mới là người đàn ông đẹp nhất nơi đây.
Ngày hôm ấy, Trâu Kỵ cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ấy đến quá đột ngột khiến chàng không tin vào tai mình được. Vì thế nên chàng mới hỏi vợ của mình: Giữa ta và Từ Công ai đẹp hơn? Người vợ đáp: Từ Công sao có thể sánh với chàng được? Thật giống như một quả cà đem sánh với quả anh đào vậy! Trâu Kỵ lại hỏi tiểu thiếp, thiếp trả lời: Từ Công sao có thể sánh với chàng được? Thật giống như một con cun cút đem sánh với con nhạn trên núi vậy! Trâu Kỵ lại hỏi một môn khách, khách đáp: Từ Công sao có thể sánh với chàng được? Thật giống như cỏ đuôi chó đem sánh với cây vân bân vậy! (Vân bân một loại cây có gỗ tốt và đẹp).
Vài ngày sau, Trâu Kỵ trông thấy người đàn ông mà trong mắt mọi người là không thể sánh với mình. Trâu Kỵ suy tư, trầm ngâm phút chốc rồi bắt anh ta đi đến hoàng cung. Trâu Kỵ và Tề Uy vương (齊威王) vừa uống rượu vừa trò chuyện, Trâu Kỵ bèn nói: Đại vương, thần vốn không đẹp bằng Từ Công, nhưng vợ của thần muốn thần mua quả anh đào cho cô ấy; thiếp của thần muốn thần mua thức ăn lạ cho cô ấy; môn khách của thần muốn thần cho hắn ta vài súc gỗ quý để làm nhà, nên tất cả đều bảo Từ Công không đẹp bằng thần. Nhưng thực ra, nếu đem thần ra mà sánh với Từ Công thì thần chẳng khác gì quả cà, con chim cun cút, cỏ đuôi chó vậy, điều này đã chứng minh rằng họ đã che giấu thần. Đại vương, nếu từ việc này mà nói đến đạo trị quốc thì…
Tề Uy vương nghe Trâu bảo thế cũng chìm đắm vào trong suy nghĩ.
Hôm sau, Tề Uy vương triệu Trâu Kỵ vào diện kiến, nói với Trâu Kỵ một cách rất bí mật: “Ái khanh, khanh lại là một người đẹp nhất nước Tề đấy!” Trâu Kỵ không hiểu thế nào, bèn hỏi: “Tại sao thế?” Tề Uy vương cười nói: “Quả nhân đã huỷ dung nhan của tên Từ Công ở thành phía Bắc rồi, bây giờ thì bọn thê thiếp của khanh có khen khanh đẹp trai thì đương nhiên là nói đúng sự thật về khanh rồi!”
Người ta bảo rằng vì chuyện này mà Trâu Kỵ trở nên điên loạn. Tương truyền có người từng gặp chàng, thì thấy chàng đã trở nên ngờ ngệch, chỉ nói đi nói lại một câu: ta chỉ muốn là một người biết suy nghĩ thôi mà!
8. Hàn Tử Cao (韓子高)
Hàn Tử Cao, người Sơn Âm, Cối Kê, Lương Triều, xuất thân từ tầng lớp hạ tiện, phải mưu sinh bằng nghề làm giày dép. Tương truyền, chàng có “diện mạo đẹp đẽ, khiết bạch sáng tươi, tựa như người ngọc. Tráng vuông tóc mượt, mày tằm tự nhiên, ai thấy đều mến” (容貌艳丽,纤妍洁白,如美婦人。螓首膏髮,自然娥眉,見者靡不嘖嘖:Dung mạo diễm lệ, tiên nghiên khiết bạch, như mỹ phụ nhân. Tần thủ cao phát, tự nhiên nga mi, kiến giả mị bất trách trách). Xét về khuôn mặt đẹp, thì Hàn Tử Cao hơn hẳn Chu Tiểu Sử - một mỹ thiếu niên nổi tiếng đời Tấn). Tử Cao sinh ra trong thời loạn quân, kẻ địch mặc sức huơ chiếc thương dài mà chém giết điên dại, nhưng khi nhìn thấy Hàn Tử Cao thì lại vứt bỏ binh khí trong tay, lại chẳng có ai nỡ lòng sát hại chàng, dù là một sợi tóc. Sử viết rằng: Lính cuồng huơ thương sắc nhưng vì lòng bất nhẫn nên chỉ huơ xuống nửa chừng, có tên lại giúp chàng vượt ra xa. Từ đó có thể thấy Hàn Tử Cao đẹp đến mức nào. Không chỉ có khuôn mặt đẹp mà chàng có thân hình cao dong dỏng, đôi tay dài, thiện việc bắn tên cưỡi ngựa, dáng hình tuấn tú, da thịt đầy mị lực, quả thực là rất đỗi đẹp đẽ, khiến người ta không thể quyến luyến. Có biết bao nhiêu thiếu nữ, trong đó có cả công chúa Trần Triều (陳朝), họ đều thương thầm Tử Cao đến si dại, đêm ngày tưởng nhớ khiến ho ra máu mà chết.
Nhưng Hàn Tử Cao lại cam tâm hạ mình hầu hạ Trần Văn đế Trần Tây (陳茜) của Nam triều (đây là một người đồng tính luyến ái), họ ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, ngày đêm không cách xa nhau. Và lại do một lời của Tử Cao, Trần Tây đã nổi giận và tiêu diệt cả dòng họ Vương Tư Mã (王司馬), cuối cùng đã tạo nên kết cuộc triều Lương bị diệt vong và triều Trần được kiến lập. Trong lịch sử Trung Quốc, đây là một câu chuyện độc nhất vô nhị nói về một người vì cuộc tình đồng tính mà dẫn đến cuộc biến loạn vương triều. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tử Cao là người đề xướng ra khái niệm nam hoàng hậu (男皇后), tuy rằng chưa trở thành hiện thực, nhưng sự thật về sắc đẹp khuynh thành của Hàn Tử Cao lại không thể phủ nhận. Khi Trần Tây bị bệnh, Tử Cao đã hầu nước bưng thuốc, giây phút không xa, khiến cho Trần Tây được an ủi rất lớn trong những giờ phút sắp lìa đời. Tất cả mọi người trong một hoàng cung rộng lớn đều bị đuổi ra ngoài cửa, chỉ riêng Hàn Tử Cao được hầu hạ Trần Tây, sống qua khoảng thời gian cuối cùng của hai người. Sau khi Trần Tây mất, Tử Cao bị ban cho tội chết, khi ấy chàng chỉ mới ba mươi tuổi.
9. Lữ Bố (呂布)
Lữ Bố tên chữ là Phụng Tiên (奉仙), người Cửu Nguyên, quận Ngũ Nguyên thời Tam quốc, làm quan đến chức Ôn hầu, thân thể cao lớn (ước trên một mét chín), tướng mạo anh tuấn, võ nghệ cao cường. Không những quần áo hoa lệ, Lữ Bố còn rất thích khoe mã. Mỗi khi đi ra ngoài là chàng “phong thái hiên ngang, uy phong lẫm liệt, tay cầm chiếc họa kích Phương Thiên, mắt long lên mà nhìn”, quả thực là rất nam tính. Chàng thường cầm một chiếc hoạ kích trong tay, ngồi trên con ngựa quý Xích Thố, đi khắp nơi để tán gái, người đương thời thường nói “trong nhân gian có Lữ Bố, trong loài ngựa có Xích Thố” (人中呂布、馬中赤兔:Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố”. Gái đẹp phần nhiều tự yêu mình, trai đẹp cũng không ngoại lệ. Khi làm thuộc hạ của Đinh Nguyên, Lữ Bố cũng “kết tóc đỉnh đầu đội mũ vàng, khoác áo chiến bào Bách Hoa, mình mang áo giáp Đường Nê, buộc thắt lưng sư tử báu”, trông rất có dáng. Sau khi về với Đổng Trác, Lữ Bố cũng đua đòi xa xỉ: ‘Đầu đội mũ vàng tía, tóc kết làm ba, mình khoác áo bào Bách Hoa bằng gấm đỏ của Tứ Xuyên, mang áo giáp có hình mặt thú nuốt đầu liên hoàn, buộc thắt lưng sử tử Giáp Linh Lung’, trông như một vị vua trên thiên đình, khiến ngay cả đại mỹ nhân Điêu Thiền (貂蟬, thường gọi là Điêu Thuyền) cũng phải động lòng.
Lữ Bố không chỉ thạo về việc dùng hoạ kích, chàng còn rất thiện việc bắn tên, đây cũng chính là ngón nghề mà chàng rất tự hào. Võ nghệ chàng cao siêu, ba người Quan Vũ, Trương Phi, Lưu Bị liên thủ lại thì mới có thể miễn cưỡng thắng được chàng. Luận về võ nghệ cá nhân, vào thời Tam quốc thì chàng quả là vô địch thiên hạ.
Nhưng đây lại là người thường hay phản phúc, vô nhân nghĩa, tráo trở đa đoan. Đầu tiên, Lữ Bố bái Đinh Nguyên làm nghĩa phụ, nhưng một kẻ bị chàng “trừng mắt mà nhìn” như Đổng Trác chỉ cần dùng con ngựa Xích Thố và ngọc đới Kim Châu để ra lệnh chàng giết Đinh Nguyên và theo về Đổng Trác thì chàng lại tuân lời. Điều này cũng không thể trách cứ Lữ Bố, vì chàng vốn xuất thân từ gia đình nghèo khổ, ngoài võ công vô địch thiên hạ ra thì chàng chẳng có một thứ gì. Chàng chẳng khác gì một tuyệt thế giai nhân xuất thân từ tầng lớp bình dân vậy, khi đối mặt với một kẻ dùng tiền tài và của cải để khuyến dụ chàng, thì trên thế gian này có mấy ai lại không vứt bỏ tình xưa? Sau khi Lữ Bố trở thành thuộc hạ của Đổng Trác, do tư thông với Điêu Thiền, sợ việc xấu bị phơi bày nên đã cùng với Tư Đồ Vương Duẫn (司徒王允) cùng nhau mưu sát Đổng Trác. Khi Thào Tháo (曹操) chinh phạt Từ Châu, Lữ Bố nhân cơ hội đã tiến hành đánh úp căn cứ địa của ông ta, sau lạ nhiều lần tác chiến với Tào Tháo, sau do tên thủ hạ là Hầu Thành làm phản nên Lữ Bố đành phải đầu hàng.
Ở lầu Bạch Môn, Lữ Bố bị bắt giữ. Lưu Bị nói với Tào Tháo rằng: “Ông không thấy câu chuyện của Đinh Nguyên, Đổng Trác đấy sao?” Kỳ thật, Lưu Bị biết rằng mình đố kỵ với Đinh Nguyên, Đổng Trác, bởi vì bản thân Lưu Bị cũng muốn có được Lữ Bố. Lữ Bố quả thực rất đẹp, vẻ đẹp hoàn hảo ấy khiến người ta yêu mến thắm thiết, mà yêu mến tất sẽ khiến người ta mù quáng. Ông ta biết rằng bất kỳ ai có được Lữ Bố cũng đều sẽ dành trọn tình cảm của mình cho Lữ Bố, một anh hùng như Tào Tháo cũng không ngoại lệ (có thể thấy được điểm này khi ông ta đối đãi với Quan Vũ sau này). Nếu như thế, Tào Tháo có thể sẽ tiếp gót theo Đinh Nguyên, Đổng Trác về nơi chín suối, bản thân của Lưu Bị sẽ hạ được một đối thủ cạnh tranh lớn nhất ở đất Trung Nguyên, và Lữ Bố cũng sẽ không chết. Nhưng Lưu Bị cũng không thể đành lòng để Tào Tháo giành lấy Lữ Bố. Cái mà Lưu Bị không có được thì người khác cũng đừng mong có được. Đây chính là logic của Lưu Bị, vì thế mà ông ta càng muốn Lữ Bố phải chết. Riêng về Thào Tháo, tuy rằng rất muốn có được Lữ Bố, nhưng bản thân ông ta cũng không muốn trở thành Đinh Nguyên, Đổng Trác thứ hai, lại đành phải giết Lữ Bố. Xem ra, “hồng nhan bạc mệnh” không những được dùng để chỉ số phận của các mỹ nữ, mà nó còn sử dụng rất thích hợp cho đệ nhất mỹ nam thời Tam quốc này.
10. Kê Khang (嵇康)
Kê Khang, tên chữ là Thúc Dạ (叔夜), người huyện Chí (銍), quận Tiêu (譙) (nay là huyện Túc tỉnh An Huy), là nhân vật lãnh tụ trong nhóm “Trúc lâm thất hiền” (竹林七賢). Kê Khang chính là một nhà tư tưởng, một thi sĩ và một nhạc sĩ nổi tiếng của thời Nguỵ mạt (thời kỳ Tam quốc), đây còn là một nhân vật đại diện cho trường phái huyền học đương thời. Kê Khang mồ côi cha từ bé, nhưng nhân cách đáng kính hơn người: lòng thẳng thắn cương trực, cần mẫn học hành và có chí hướng của chim hồng chim hộc. Sau Kê Khang cưới cháu của Tào Tháo (con gái của Tào Lâm) làm vợ. Khi họ Tào vẫn đang nắm quyền thì Kê Khang đã làm quan đến chức Trung tán đại phu.
Kê Khang là một tác gia rất hiếm thấy của Trung Quốc cổ đại, vừa tinh thông văn học, huyền học và âm nhạc, lại vừa anh tuấn, phong độ. Người ta đã hình dung về Kê Khang như sau: “uy phong như con rồng, tư thái như con phượng, thiên chất rất tự nhiên” (龍章鳳姿,天質自然:Long chương phụng tư, thiên chất tự nhiên). Sử chép rằng, Kê Khang “thân cao bảy thước tám tấc, phong thái cao nhã, những người gặp chàng đều khen rằng: phong độ tự nhiên, sảng khoái rất mực, cử chỉ thanh thoát. Hoặc bảo rằng: Phong độ như ngọn gió dưới tàn thông, thanh cao mà từ tốn”. Để minh chứng cho nhận định này là một câu chuyện sau: một lần Kê Khang vào rừng sâu hái thuốc, có một tiều phu trông thấy bèn ngờ chàng là thần tiên hạ phàm, chỉ vì phong thái của Kê Khang quả thực chẳng thể nào nhầm lẫn với người thường được.
Kê Khang rất yêu thích âm nhạc, trong bài tựa “Cầm phú” (琴賦), chàng nói rằng: “Từ nhỏ ta đã yêu thích âm nhạc rồi, khi lớn lên thì tìm tòi học tập, bởi lẽ rằng vật có lúc thịnh lúc suy nhưng riêng âm nhạc thì không hề thay đổi; mùi vị có thể ngấy nhưng âm nhạc thì không chán” (余少好音聲,長而習之,以為物有盛衰而此無變。滋味有厭,而此不倦:Dư thiếu háo âm thanh, trưởng nhi tập chi, dĩ vi vật hữu thịnh suy nhi thử vô biến. Tư vị hữu yếm nhi thử bất quyện). Đối với đàn và nhạc truyền thống lẫn đương đại, Kê Khang đều rất quen thuộc, điều này có thể thấy được trong bài “Cầm phú” của chàng.
Theo ghi chép của Lưu Tịch trong “Cầm nghị” (琴議) thì, Kê Khang đã học được “Quảng Lăng Tán” (廣陵散) từ con trai của Đỗ Quỳ (杜夔) là Đỗ Mãnh (杜猛). Kê Khang rất thích nên thường xuyên đàn khúc nhạc này, đến nỗi có rất nhiều người đến xin học nhưng chàng nhất quyết không truyền lại. Sau khi dòng họ Tư Mã lên nắm chính quyền, chàng không muốn hợp tác vớI kẻ thống trị mới này, bèn cùng Nguyễn Tịch (阮藉), Hướng Tú (向秀), Sơn Đào (山濤), Lưu Linh (劉伶), Nguyễn Hàm (阮咸), Vương Nhung (王戎) kết làm “Trúc lâm thất hiền”, đối kháng với dòng họ Tư Mã. Sau bị họ Tư Mã sát hại, khi mất chỉ mới bốn mươi tuổi. Trước khi hành hình chàng, có đến ba ngàn thái học sinh đến cầu xin cho chàng nhưng cuối cùng cũng không có kết quả. Trước khi chết, chàng gảy lại khúc nhạc này, đồng thời thở dài và bảo rằng: “Quảng Lăng tán nay đành mất rồi”. Ngày nay, khi khai quật mộ phía nam của cầu Tây Thiện, Nam Kinh, người ta tìm thấy bức gạch có vẽ hình Kê Khang, trong đó khắc hoạ hình ảnh của một Kê Khang đang ngồi khảy đàn, cốt cách hiên ngang mà thanh thoát.
Kê Khang lại là người có đường nhân duyên rất tốt. Vương Nhung bảo rằng, kết giao với chàng trong suốt hai mươi năm mà chưa từng lúc nào thấy chàng tỏ vẻ khó chịu ra mặt, chính vì thế mà người đương thời truyền với nhau về chàng bằng một cái mỹ danh: “ý tứ xa xôi, tâm tính khoáng đạt” (意趣疏遠,心性放達:Ý thú sơ viễn, tâm tính phóng đạt). Nhưng Kê Khang lại có “lòng dạ cương trực, căm ghét cái xấu, thẳng thắn ngạo nghễ, hễ gặp chuyện thì bộc phát” (剛腸疾惡,輕肆直言,遇事便發:cương trường tật ác, khinh tứ trực ngôn, ngộ sự tiện phát). Bài văn nổi tiếng “Thư tuyệt giao với Sơn Cự Nguyên” (與山巨源絕交書) cùng với niềm đam mê đối với khúc Quảng Lăng tán của chàng chính là sự thể hiện một tính cách căm ghét thói đời, ngạo nghễ bất khuất của chàng. Cũng chính vì thế mà chàng khinh thường Tư Mã Chiêu (司馬昭), khiến chàng phải gặp hoạ sát thân, đây cũng chính là một ví dụ điển hình của tính cương trực, không a dua, xu nịnh kẻ nắm quyền.
Tổng hợp, biên dịch và giới thiệu
Hết
Người post bài: Tran Duy Khuong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét